Thursday, July 19, 2007

Xa xôi ngày về! - Far away from home


Những góc phố tối tăm, những hiên nhà ổ chuột, những dạ cầu hay sang hơn là những manh chiếu cũ mèm tả tơi được mua với giá 3.000đ để được một đêm ngả lưng sau một ngày vất vả mưu sinh… Đó là giây phút thanh thản nhất của những đứa trẻ lang thang trên phố. Vất vả là vậy nhưng khi hỏi đến ngày về với gia đình thì hầu hết đều lắc đầu… không biết!
At the gloomy street corners, or under the part-house of slums, or in the space under the bridges, or a bit better a piece of ragged mat of which price is 3000 dong (20 cents) there the children lay on for a rest after a hard day of living... That is really the most relaxed time of streetboys. In such the hard life, yet they just shake their head and do not know when they will come back home.

Hiên nhỏ, hẻm nhỏ... nhà em ở đó! (small parthouse, small alley... there his home is!)

Tâm kéo chiếc mền âm ẩm quấn lấy chân rồi thều thào với tôi: “Anh ráng chợp mắt chút đi, hôm nay ròng nên nước kênh hơi hôi một chút. Cứ ngủ ở đây vài lần rồi sẽ quen thôi”. Kể từ tháng 8 năm trước, khi bị bà chủ bán mì gõ đuổi không cho làm nữa thì nó gia nhập vào đội quân lượm rau, củ, quả ở chợ Cầu Ông Lãnh. Ngày lang thang đánh giày dạo ở khu công viên 23-9, tối về lượm rau, củ, quả mà người ta vứt đi để sáng ra chợ bán. Nói là lượm cho oai chứ thực chất tụi nó đều hành nghề “chôm chỉa” mà sống. 3 - 4g sáng, mỗi đứa mướn một manh chiếu 3.000đ mang đến dạ cầu nào đó ngả lưng một chút rồi bắt đầu ngày mới.

“Sống chi khổ vậy, sao không về nhà với gia đình?”. Câu hỏi của tôi vô tình làm đôi mắt nó ngấn lệ: “Không có tiền, nhưng mà về ổng bả có tha thứ không?”.

Nói đến đám trẻ đánh giày khu vực Hồ Con Rùa ai cũng biết đến cái tên Thắng “què”. Thắng “què” có gia đình ở phường 25, quận Bình Thạnh. Sở dĩ nó được đệm thêm tiếng “què” vì trong một lần say rượu, cha dượng của nó đã dùng dao ném vào chân nó. Hậu quả là bị dứt gân chân, không thể chữa trị được nên cái tên Thắng “què” gắn chặt với cuộc đời nó từ đó. Hận gia đình vì sự chắp vá, không chịu nổi cái kiểu dạy con bằng “nắm đấm” của ông cha ghẻ nên nó bỏ nhà đi bụi từ lúc lên 6. Lớn lên bằng miếng cơm, manh áo lề đường từ lúc tuổi “măng non” nên giờ đây xem ra Thắng què đã “đủ bản lĩnh” để cai quản vùng đất đánh giày Hồ Con Rùa vốn béo bở này. Không những “nổi như cồn” về thói liều lĩnh xem mạng người chẳng ra gì mà nó còn nổi lên nhờ nghề đánh giày, đánh bida độ mà mua được cả xe Future. Điều này làm đám tụi đánh giày nể phục vô cùng.

“Được nể phục đâu phải dễ, “đại ca” xem nè, đếm xem trên 2 cánh tay của tui có bao nhiêu sẹo là bấy nhiêu lần tưởng bỏ mạng trên đường phố đấy” - như để minh chứng cho những gì được bọn “đàn em” đánh giày ở đây tôn sùng, Thắng “què” vén tay áo cho tôi xem.

Quả thật, hai cánh tay của Thắng “què” đầy những vết sẹo ngang dọc, chồng chéo lên nhau. Đến lúc này tôi mới hình dung ra được để đổi lấy danh xưng đại ca “Xóm Hồ Con Rùa” thì cái giá Thắng “què” phải trả không nhỏ chút nào. Mặc dù “oai” như vậy nhưng trong sâu thẳm lòng nó vẫn có một niềm khát khao được trở về nhà. Không ít lần nhớ nhà, nó đi qua đi lại nhưng không dám vào…

Tại khu vực Hàng Xanh, Thị Nghè có rất nhiều phòng trọ cho bọn nhóc đánh giày thuê với giá 3.000đ/đêm. 21g đêm, Thắng “què” dắt tôi vào một căn phòng rộng hơn 12m2 với 14 chiếc chiếu được trải ra. Thắng nói: “Ngủ như vậy là sang lắm rồi. Những thằng bán báo hay mì gõ bạ đâu ngủ đó. Nhà chờ xe buýt, lề đường, ghế đá công viên… ở đâu chúng cũng có thể ngủ được. Còn tụi này thì có cơ ngơi đàng hoàng”.

Bao giờ? When?

Hiện tại, thành phố có rất nhiều trung tâm, nhà mở, mái ấm tình thương nuôi dưỡng trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ… nhưng những nơi này chỉ là nơi giải quyết phần “ngọn”. Còn việc khắc phục phần “gốc” của làn sóng trẻ bỏ quê lên phố vẫn còn bỏ ngỏ. Mỗi ngày, vẫn có không ít những đứa trẻ nghe lời bạn bè rủ rê lên phố để rồi dễ dàng sa vào các cạm bẫy săn trẻ của những tay anh chị đang núp bóng kinh doanh nhắm vào đối tượng này.

Bà Nguyễn Thị Th., ở Nhà mở H.H, quận 7, TP.HCM trăn trở: “Từ lâu chúng ta cứ tưởng những tiếng gõ lọc cọc thay lời rao bán hủ tiếu đơn giản chỉ là cái nghề mưu sinh của người nhập cư. Nhưng có ai ngờ, đằng sau tiếng gõ ấy là những mảnh đời hồn nhiên đang bị lợi dụng. Tất cả được ngã giá, đánh đổi như một thứ hàng hóa, để rồi sau những năm tháng nhọc nhằn tìm miếng ăn để tồn tại, bài học đầu đời mà chúng hấp thu được là cách hành xử giang hồ, là những ngôn từ thô tục,…”.

Theo lời kể của anh Hùng ở Nhà mở Thảo Đàn, tôi tìm đến nơi ở cuối đời của em N.T. T. H. ở Củ Chi. Sau những tháng ngày kiếm sống bằng đủ mọi nghề trên lề đường như bán vé số, ăn xin, rồi trộm vặt, móc túi… vẫn không thể nào tồn tại được, cuối cùng H. phải ra đứng đường làm gái. Nhưng cuộc mưu sinh của em cũng chẳng kéo dài được bao lâu vì H. đã nhiễm căn bệnh thế kỷ - AIDS. Một cô gái mới 17 tuổi đã phải nằm đếm lùi từng ngày sống của mình, cảnh tượng ấy khiến những ai chứng kiến không khỏi quặn thắt lòng.

Nguyen Nhung ( Theo Sggp)

Cuộc mưu sinh nhọc nhằn của 5 chị em mồ côi (fatiguing livehood of 5 orphaned brothers and sisters)

Just 25 years old, but Ms. Phuong has a lot of harsh and miserable signs on her face. Years ago, She herself has had to shoulder the responsibilities of bringing up her younger sister and brothers who unfortunately fell into orphan situation. They have to work hard for living in the severe life.
25 tuổi, nỗi khắc khổ hằn in trên khuôn mặt Phương. Nhiều năm qua, cô một mình gánh vác trọng trách nuôi nấng đàn em không may lâm cảnh mồ côi. Cả 5 chị em oằn mình bươn chải cùng cuộc sống mòn mỏi trước số phận nghiệt ngã.

5 giờ sáng, trời còn mờ sương. Những ngôi nhà trên con hẻm nhỏ đất đá gồ ghề còn kín mít cửa. Phạm Thị Minh Phương ở phường Thị Nại, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã choàng dậy vội vã đi về hướng chợ Đầm. Cô bắt đầu một ngày mưu sinh nhọc nhằn bằng nghề nhổ lông gà thuê để chăm lo cho 4 đứa em côi cút...

Năm 1998, người cha trụ cột trong gia đình qua đời vì bệnh viêm ruột thừa vỡ mủ. Đầu năm 2006, người mẹ lại qua đời vì chứng bệnh gan.

Trước đây, bố của Phương làm nghề bốc vác; mẹ tần tảo làm thuê ở chợ Đầm. Thu nhập ít ỏi chỉ giúp cả gia đình 7 miệng ăn lần lữa qua ngày. Căn nhà trống huơ trống hoác, bề ngang chưa tới 2 mét, bề dài khoảng hơn 3 mét, được chắp vá bằng tấm cót, gỗ phế thải, tôn cũ nằm trên con hẻm nhỏ là "tổ ấm" của 5 chị em mồ côi.

Minh Phương đã ngăn một gác lửng làm nơi thờ bố mẹ. Để có điện thắp sáng cho các em học bài, Phương xin "câu" nhờ nhà hàng xóm. Nước sinh hoạt, 5 chị em mồ côi phải chắt chiu mua từng thùng nhỏ.

Mỗi khi trời đổ mưa, nước hắt tứ bề, tràn xuống nền nhà, 5 chị em đi lượm bạt, ván về lót để co cụm tránh ướt. Những lúc mưa lớn, hết cách chống đỡ, Minh Phương dẫn các em xin trú ngụ nhà bà con lối xóm.

Mỗi sáng ra chợ nhổ lông gà thuê, Phương thu nhập được 10 ngàn đồng. Nghề này bấp bênh, bữa có bữa không nên để có tiền mua gạo nuôi sống các em, Phương xin làm thêm vào buổi chiều ở một cơ sở chế tác lồng chim gần nhà. Tháng nào làm nhiều, cô nhận được hơn 300 ngàn đồng. Phương tâm sự: "Tụi em làm được ngày nào ăn ngày đó. Nhiều lúc không có tiền, em phải chạy đi mua nợ ít gạo về nấu cháo".

Khó khăn, Phương và các em cũng chẳng biết than vãn cùng ai. Tất cả đều lặng lẽ gắng gượng vượt qua để sống, lo hương khói cho bố mẹ. Cô nghỉ học giữa chừng khi bố mẹ lâm trọng bệnh. 4 người em của Phương đứa phụ xe tải, đứa làm lồng chim, 2 em vẫn còn đi học, Viễn sắp vào lớp 8 trường THCS Tây Sơn; Hương sắp vào lớp 4 trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.

Phương nghẹn ngào: "Em chỉ cầu mong có sức khỏe để làm lụng chăm lo các em nhỏ. Em cũng mong 4 đứa em đừng bao giờ lâm bệnh bởi bệnh tật mà không có tiền thuốc thang như bố mẹ lúc trước...".

Theo Đình Phú

Wednesday, July 18, 2007

Anh công nhân và căn bệnh hiểm nghèo


Vào Sài Gòn được gần 10 năm, vợ chồng anh Nguyễn Quang Bích cũng sống tạm ổn với tổng lương của cả hai hơn 2 triệu đồng/tháng. Dành dụm dần dà anh chị cũng mua được cái này, sắm cái nọ và sinh một em bé. Nhưng đột nhiên hai năm trước (năm 2005), anh bị tai biến mạch máu não. Vậy là tháng ngày thảnh thơi của hai vợ chồng chấm dứt.


Tim anh Bích vốn bị hẹp van hai lá, khi máu lưu thông qua chỗ hẹp này tạo nên dòng máu xoáy tích tụ thành máu đông, lâu ngày chèn mạch máu não và dẫn đến tai biến. Đợt tai biến này khiến anh Bích mất hơn 50% sức lao động, yếu hẳn nửa bên người. Việc điều trị tai biến và nong van tim cũng mang đi của gia đình anh những gì dành dụm được suốt gần 10 năm trời.

Quyết không chịu thua số phận, anh tham gia tập phục hồi chức năng ở khoa Vật lý trị liệu, bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM mong có ngày hồi phục để có thể tiếp tục làm việc. Sau gần nửa năm trị liệu, anh đã có thể đi lại được. Vậy là vừa tập anh vừa cố gắng làm việc đỡ dần cho vợ, chị Nguyễn Thị Như Hiệu, vốn là một công nhân may.

Hằng ngày, anh đón xe buýt đến một trạm gần bệnh viện rồi bán vé số dần dà cho đến bệnh viện. Tập xong anh lại bán dọc đường đến trạm xe buýt. Rồi lại đi bộ bán từ trạm dừng cho đến nhà. “Mỗi ngày cũng kiếm được ba bốn chục đỡ cho vợ. Chứ vợ anh làm công nhân cũng có nhiêu đâu mà lo cho cả bố lẫn con”- anh Bích tâm sự.

Sau hơn 1 năm tập luyện, anh đã hồi phục được 30% sức lao động. Tưởng đâu sắp được bình phục, tiếp tục làm việc như xưa, ai ngờ…

Hiện gia đình anh Bích đang ở trọ tại địa chỉ trên, bạn đọc ở TPHCM nên chuyển sự giúp đỡ đến tận tay anh Bích để tránh thất lạc. Hai tháng gần đây anh thường thấy trong người khó chịu, hay mệt, khó thở… Vậy là quyết định khám thử. Kết quả khiến anh mất hết cả niềm tin sống.

Kết luận của Hội đồng chuyên khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM là: anh bị hở van hai lá, hở van động mạch chủ sau nong van và vẫn còn bị hẹp van tim. Hướng xử lý bắt buộc là phẫu thuật thay hai van tim.

Theo bác sĩ Phạm Thị Thu Nga, khoa Phẫu thuật tim, bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM: “Vì bị hẹp van tim nên anh Bích có thể bị tai biến mạch máu não bất cứ lúc nào, và hậu quả sau tai biến thì không lường hết được. Như vụ tai biến cách đây 2 năm đã khiến anh liệt nhẹ nửa người. Nguy cơ thứ hai là do tim phải làm việc nhiều để đẩy máu lưu thông qua vùng hẹp, việc bị trụy tim là chắc chắn, không sớm thì muộn mà thôi. Và nguy cơ nghiêm trọng nhất trong trường hợp này là do tim làm việc nhiều dẫn đến tăng áp phổi, rất dễ gây nên chứng phù phổi cấp, nguy cơ tử vong rất cao”. Kết thúc buổi nói chuyện, bác sĩ Nga kết luận: “Với bệnh của anh Bích thì phẫu thuật càng sớm càng tốt”.

Gia đình anh Bích cũng biết không phẫu thuật là rất nguy hiểm, và anh Bích cũng không thể làm được việc gì với chứng bệnh này. Nhưng con số 80 triệu đồng cho ca phẫu thuật khiến anh không còn ý nghĩ sẽ tiếp tục điều trị.

Anh cho hay: “Hai năm nay vợ anh cố gắng làm việc lo cho anh chữa bệnh và đứa con 4 tuổi, có dư dả được đồng nào đâu. Gia đình bố mẹ ở quê có giúp thì cũng chỉ bán vài sào ruộng và hai con bò cày được mười mấy hai chục triệu là cùng. Nhưng ông bà đã già rồi, có mấy sào ruộng sống qua ngày, mình không cho thì thôi, ai nỡ lấy...”. Vậy là bế tắc!

Tùng Nguyên

Mọi sự hảo tâm xin gửi về gia đình anh Nguyễn Quang Bích, địa chỉ 224/34 Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM.

Sunday, July 15, 2007

Cháu chỉ mong có báo và truyện để đọc


- Cháu Quàng Văn Hảo ở bản Đông, thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên bị dị tật bẩm sinh không đi lại được. 17 năm khổ luyện, cháu Hảo không những biết đọc, biết viết mà còn vẽ tranh bằng miệng rất đẹp. Gia đình cháu hiện nay rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Năm 1988, chị Quàng Thị Mung và anh Lò Văn Hưởng cưới nhau, sinh được 2 cháu trai là Hảo và Hà. Những năm trước, gia đình chị Mung ở biệt lập trong một túp lều tranh cách trung tâm bản gần 1km. Cháu Hảo không đi lại được nhưng vẫn mơ ước được đi học như các bạn.

Thương con, các buổi tối, chị kể chuyện cổ tích của dân tộc Thái và dạy cháu đọc bảng chữ cái, khi cháu nhớ hết mặt chữ thì chị cho học ghép vần. Lên 6 tuổi cháu Hảo đã biết đọc. Tứ chi của cháu bị dị tật nên không cầm được bút, cháu dùng 2 hàm răng để điều khiển bút trong quá trình tập viết. Sau nhiều tháng khổ luyện, cháu Hảo đã dùng miệng viết, vẽ thành thạo.

Thấy con biết đọc, biết viết, chị Mung mừng lắm, chị đến các gia đình trong bản mượn sách truyện thiếu niên, nhi đồng về cho cháu đọc. Cháu Hảo đọc hết chỗ sách mẹ mượn, còn chép lại hàng chục bài thơ, bài hát yêu thích vào sổ tay.

Biết cháu thích vẽ, chị Mung mua bút màu cho cháu tập vẽ. Hàng ngày cháu vẽ phong cảnh quê hương, hoa lá và cả những con vật quen thuộc. Khối phố và UBND thị trấn thông cảm với điều kiện hoàn cảnh gia đình chị, hằng năm hỗ trợ lương thực cứu đói, thăm hỏi các ngày lễ, tết và hỗ trợ tấm lợp. Một số cơ quan cũng đã trực tiếp hỗ trợ gia đình bằng tiền mặt.

Hảo tâm sự: “Mẹ và em cháu đi làm cả ngày, một mình ở nhà buồn lắm, cháu chỉ mong sao lúc nào cũng có báo, truyện đọc hằng ngày”.

Trước mong ước thật bình dị của cháu, Tuần báo KH&DT sẽ tặng cháu mỗi kỳ 1 tờ để cháu có thêm một món ăn tinh thần.

(Thái Nguyên An - Dân Trí)

Andersen và cô bé bán diêm


___Vào một buổi tối mùa thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhagne - Đan Mạch.
___- Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm !
___Một tiếng nói khàn khàn, mệt mỏi chợt vọng đến tai Andersen. Đằng kia, trước mặt chàng hơn mươi bước là một người đang ngồi co ro trên thềm của một ngôi nhà cao ráo. Ánh sáng đèn từ trong nhà chiếu ra cho chàng thấy đó chỉ là một đứa bé con. Hẳn nó đã phát ra những lời vừa rồi.
___- Tối lắm rồi sao cháu còn chưa về nhà ngủ ?
___Andersen bước đến, ái ngại. Đấy là một cô bé khoảng hơn 10 tuổi, run rẩy trong bộ quần áo vá víu bẩn thỉu. Vai áo rách để lộ đôi vai gày còm. Nhìn gương mặt hốc hác của nó, có thể đoán nó đang chịu cảnh thiếu ăn, thiếu uống từ lâu.
___- Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm ! - Tay cầm bao diêm, cô bé chỉ vào chiếc túi con căng phồng bên cạnh, khẩn nài- Cả ngày cháu chẳng bán được gì, cũng chẳng ai bố thí cho cháu đồng nào.
___Cô bé rơm rớm nước mắt. Thân hình tiều tụy ốm yếu của em run lên khi gió lạnh thổi qua.
___- Thế sao ? Andersen động lòng.
___Chàng khẽ vuốt mái tóc dài xoăn thành từng búp trên lưng cô bé.
___- Gia đình cháu đâu cả rồi ? Không ai lo cho cháu sao ?
___Cô bé buồn bã lắc đầu. Em bùi ngùi kể lại những năm xưa khi còn sống trong ngôi nhà xinh đẹp với những dây trường xuân leo quanh. Từ khi bà em qua đời, gia sản lụn bại, gia đình em phải lìa bỏ mái nhà thân yêu đó để chui rúc trong một xó xỉnh lụp xụp, tối tăm.
___- Không có tiền cháu đâu dám về nhà vì bố sẽ đánh chết thôi !
___Cô bé nhìn Andersen, đôi mắt cầu khẩn.Thực vậy, em có một người cha ác nghiệt. Hơn nữa về nhà cũng chẳng hơn gì. Hai cha con chen với nhau trên một gác xếp tồi tàn, gió rét vẫn lùa vào được dù đã bít kín những lỗ thủng trên vách. Lúc này, đôi chân cô bé đã lạnh cóng, em mang đôi giầy vải mòn cũ do mẹ em để lại.
___- Cháu đừng lo ! Abdersen cho tay vào túi lấy ra một số tiền đặt vào bàn tay bé bỏng của em- Còn bấy nhiêu chú cho cháu cả. Cháu về nhà mau kẻo chết cóng mất.
___- Ôi, lạy Chúa ! Vẻ đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng - Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất trên đời này. Với món tiền này, bố con cháu sẽ được nhiều bữa no. Nhưng... cô bé bỗng đăm chiêu... Nếu chú cho cháu hết thì tiền đâu chú sống, hở chú ?
___- Sao cháu khéo lo thế ? Chàng mỉm cười, nụ cười đầy hiền dịu - Chú sẽ còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa, đầu năm tới mới trở lại nơi này, khi ấy chú sẽ tặng cháu một món quà đặc biệt.
___- Ồ, thích quá ! Còn cháu, cháu cũng sẽ tặng chú một món quà. Mà chú tên gì nhỉ ?
___- Chú là Andersen - Chàng âu yếm nắm đôi vai gầy của cô bé - Có bao giờ cháu nghe đến tên ấy chưa ?
___- Tên chú nghe quen lắm - Cô bé nhìn đăm đăm gương mặt trầm tư có chiếc mũi khoằm của chàng- Chú có phải là thợ mộc không ?
___- Không phải ! Andersen mỉm cười lắc đầu.
___- Thợ may ?- Cũng không.
___- Hay chú là bác sĩ ?- Ồ, không phải đâu. Thế này này...Chàng đưa ngón tay trỏ viết viêt vào không khí, vẻ hơi đùa cợt.
___- A ! Cô bé reo lên - Cháu hiểu rồi, chú làm nghề bán bút !
___Andersen chỉ tủm tỉm cười. Chàng thấy yêu cô bé quá. Em khiến chàng, một nhà văn thề suốt đời gắn bó với tuổi thơ, nhớ đến thời thơ ấu của mình và thành phố Odense cổ kính, nơi tuổi thơ của chàng êm ả trôi qua. Là con một trong gia đình nên dù cha chỉ là một bác thợ giày nghèo, cậu bé Andersen hầu như chẳng phải mó tay đến bất cứ một việc gì ngoài mỗi việc là mơ mộng liên miên. Cậu bé lắm khi chỉ thích bầu bạn với chiếc cối xay già nua đứn run rẩy trên bờ sông hiền lành của thành phố quê hương.....
___Sau đó Andersen đi du lịch đâu đó... và chàng đã quên luôn lời hứa với cô bé bán diêm. Khi về thăm lại khu phố năm nào, chàng tự trách mình đã quá mải mê với chuyến viễn du đến nỗi quên khuấy đi lời hứa với cô bé bất hạnh mà giờ này hẳn đang lang thang đâu đó với chiếc túi đựng đầy diêm. Phải mua ngay cho em một chiếc áo len, một chiếc áo lông cừu dày và thật ấm để em qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông...
___Và Andersen sau những lần dò hỏi tin tức của em bé bán diêm, được ông chủ hiệu quần áo cho biết :
___- Con bé chết rồi còn đâu. Ngày đầu năm mới người ta nhìn thấy em bé chết cóng tự lúc nào ở một góc đường giữa 2 ngôi nhà. Cái chết cứng đờ của nó ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẳn. Có lẽ nó muốn sưởi cho ấm. Có điều lạ là hai mà nó vẫn hồng và miệng nó như đang mỉm cười.
___- À này, ông ta tiếp tục trước khuôn mặt chết lặng của Andersen, khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi nó rơi ra vật gì giống như một chiếc quản bút làm bằng những bao diêm. Hẳn nó để dành tặng ai, vì trên chiếc quản bút có ghi dòng chữ : tặng chú Andersen.
___Andersen quên khuấy món quà ông định tặng cho cô bé bán diêm. Nhưng cô bé, cô bé vẫn nhớ tới lời hứa của mình với vị khách tốt bụng của buổi tối mùa thu. Hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu con người trên trái đất đã nghe tim mình thổn thức mỗi khi đọc câu chuyện về cô bé đáng thương của văn hào Đan Mạch. Phải chăng Andersen đã viết câu chuyện ấy như một món quà để tặng hương hồn cô bé bán diêm ?
___(Trích từ Ước Mơ Xanh)